Mô hình 4S trong Doanh nghiệp khởi nghiệp
09/09/2022
Chúng ta có 4P trong Marketing (đôi khi là 7P) và 3C trong kinh doanh. Chúng ta có mô hình phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (hay gọi tắt là SWOT) và còn rất nhiều mô hình khác. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp 4S là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa thành công nhanh chóng nhất. Cùng Học viện CEO Hà Nội tìm hiểu 4 thành tố tạo nên mô hình 4S thông qua bài viết dưới đây.

1. Service  (Dịch vụ)

Khi bắt đầu khởi nghiệp, bạn hãy đặt ra câu hỏi: Liệu bạn đã xây dựng được hệ thống dịch vụ đáp ứng nhu cầu cung và cầu của khách hàng hay chưa? Loại hình dịch vụ bạn lựa chọn là loại hình nào, có những ưu điểm và nhược điểm gì? Với lĩnh vực kinh doanh của bạn, lọai hình dịch vụ ấy có phù hợp hay không? Ai cũng thấy rõ rằng, trong kinh doanh ngoài chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu thì chất lượng dịch vụ cũng góp phần không nhỏ để nâng doanh số bán hàng. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh hơn bao giờ hết, tốc độ truyền phát thông tin cũng nhanh đến chóng mặt, nếu bạn chỉ có chất lượng sản phẩm mà không có chất lượng dịch vụ thì khách hàng chỉ đến với bạn một lần rồi bỏ đi. Service ở đây có thể hiểu là dịch vụ bán hàng, dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ giải quyết các vướng mắc của khách hàng. Khách hàng ngày nay luôn mong muốn khi họ trả tiền cho một sản phẩm, họ phải nhận được một chất lượng dịch vụ chăm sóc từ A-Z (từ khâu tìm kiếm, mua hàng, sử dụng sản phẩm, và phản hồi sản phẩm). Những doanh nghiệp startup làm tốt nguyên tắc chữ S đầu tiên luôn thu về cho mình một lượng khách hàng tăng theo lũy thừa. Bởi khi họ sử dụng sản phẩm tốt họ sẽ giới thiệu cho bạn những khách hàng khác mà bạn không cần mất bất kỳ chi phí quảng cáo nào.

2. Hệ thống (System)

Bạn có thể sản xuất hay cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đã phát triển không? Có ai đó khác có thể sản xuất hay cung cấp nó cho bạn được không? Hãy xác định rõ hệ thống mà bạn sẽ sử dụng để sản xuất hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ của mình. Đôi khi, một ý tưởng quá mới hay quá sáng tạo sẽ khiến việc sản xuất nó trở nên quá đắt đỏ, bị hạn chế hay thậm chí không tồn tại. Nhưng có thể một công ty hay một dịch vụ đang tồn tại khác có khả năng tạo ra sản phẩm đó cho bạn và đưa ra thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn, thông qua một hợp đồng bản quyền. Thêm vào đó bạn phải quyết định các vấn đề kinh doanh quan trọng khác, từ cấu trúc công ty cho đến việc quản lý tài chính và hồ sơ giấy tờ. Dù thời gian đầu, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả các công việc hành chính này thì sau này bạn cũng có thể giao chúng lại cho một đội ngũ thích hợp.

3. Chiến lược (Strategy)

Làm thế nào bạn tiếp cận khác hàng đầu tiên? Bạn có biết làm cách nào để tìm ra khách hàng thứ một triệu? Làm thế nào bạn có thể mở rộng quy mô công ty? Bạn đã bao giờ cân nhắc việc rời khỏi công ty như thế nào mà vẫn có được lợi nhuận? Rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp với những ý tưởng tuyệt vời, mở công ty và sau đó thất bại chỉ sau một thời gian ngắn khi cạn vốn. Có thể họ thiếu khả năng mở rộng doanh nghiệp hay đã đa dạng hóa kinh doanh quá nhiều (hoặc quá ít). Việc có tầm nhìn và cân nhắc chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang dẫn dắt công ty theo hướng phù hợp. Phát triển kế hoạch kinh doanh là một bước tuyệt vời để bắt đầu, nhưng ngày nay, tính linh hoạt là yếu tố cần thiết cho sự thành công. Hãy cân nhắc việc tạo ra một chiến lược như việc chuẩn bị cho một chuyến đi dài băng qua biển. Rõ ràng, bạn cần phải có một bản đồ và một đích đến, những công cụ phù hợp cũng như ý thức rằng bạn có thể phải đi chệch hướng so với kế hoạch ban đầu trong trường hợp khẩn cấp. Kế hoạch ban đầu luôn là thách thức với hầu hết các doanh nhân mới khởi nghiệp bởi họ có quá ít kinh nghiệm và không biết phải mong đợi điều gì. Đây chính là lúc tìm đến những nhà cố vấn hay người thầy, thậm chí là các nhà đồng sáng lập dạn dày kinh nghiệm. Đó sẽ là một sự giúp đỡ to lớn.

4. Chông gai (Spine)

Bạn có đủ dũng cảm để bắt đầu khởi nghiệp? Yếu tố cuối cùng cho bản kế hoạch khởi nghiệp là tìm ra dũng khí để bắt đầu. Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng nếu bạn đã có ba yếu tố trên để bắt đầu khởi nghiệp, sẽ không còn lý do gì có thể khiến bạn chùn bước. Mặc dù hiểu được điều đó, vẫn có nhiều công ty mới thành lập gặp thất bại. Có thể bạn sẽ không thành công trong lần kinh doanh đầu tiên. Tôi tin rằng những doanh nhân giỏi nhất là những người luôn thể hiện sự tự tin, khiêm tốn và luôn nhớ những bài học giá trị từ những thất bại mà họ vấp phải trước đó.

LỜI KẾT

Hãy nhớ rằng việc khởi nghiệp cũng giống như việc hẹn hò. Lần hẹn hò đầu tiên luôn là lần không thoải mái nhất với người mình không hề quen biết và nỗi bất an khiến bạn không yên. Nhưng chắc chắn rằng, những lần sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nguyên tắc 4S (Service, System, Strategy, Spine) hội tụ đầy đủ những yếu tố then chốt giúp nhà khởi nghiệp có thể tự tin xây dựng một doanh nghiệp của riêng mình trên thương trường. Hãy nắm thật chắc 4 nguyên tắc này và áp dụng nó linh hoạt và phù hợp. Chúc bạn sớm thành công!
Các bài viết khác