Ngày Tết bàn chuyện LƯƠNG THÁNG “12A”
18/01/2023
Hầu hết mọi người đều không thích con số 13 vì cho rằng nó là con số đem lại xui xẻo hoặc đại ý thế!. Vì vậy, bạn sẽ thấy hầu hết các tòa nhà đều không có tầng 13, mà thay vào đó là tầng 12A. Thế nhưng, nghịch một nỗi là lương tháng 13 thì không ai chê, ai cũng mê, và tôi cũng không ngoại lệ!
Tuy nhiên, khi bạn là doanh chủ, Công ty bạn làm ăn tốt thì tết đến xuân về, bạn còn có sức mà vui, nhưng nếu Công ty bạn khó khăn thì đó lại là nỗi lo, nỗi buồn khôn tả!. Thậm chí, ngay cả lo xong tiền thưởng tết cho nhân viên, các doanh chủ còn lo liệu kế toán của mình có làm hồ sơ, hạch toán kịp thời các khoản lương thưởng tháng 13 hay không? Liệu khoản lương thưởng tháng 13 có được tính vào chi phí hợp lý trong kỳ để tính thuế TNDN hay không? Hãy cùng Học Viện Quản Trị BOS tìm hiểu một số câu hỏi liên quan ngay sau đây.
Ngày Tết bàn chuyện LƯƠNG THÁNG "12A"

Ngày Tết bàn chuyện LƯƠNG THÁNG “12A”

1. Tiền lương tháng 13 là gì?

Lương tháng 13 là tên gọi không chính thức của một khoản tiền thưởng thường được một số doanh nghiệp phát cho người lao động vào dịp cuối năm dương lịch, thường là tháng 12. Lương tháng 13 không phải là thưởng Tết âm lịch, vì ở một số Công ty có cả lương tháng 13 và thưởng Tết.
Có một sự nhầm lẫn rất hay gặp phải, kể cả với những người có nhiều năm đi làm, hiểu sai rằng lương tháng 13 là khoản tiền hiển nhiên người lao động sẽ được nhận vào cuối năm, là quyền lợi mặc định.
Nhưng thực tế điều này là không đúng! Trong Bộ Luật Lao động năm 2012 không có khái niệm lương tháng 13 mà chỉ quy định về khái niệm tiền thưởng tại Điều 103 như sau:
  1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
  2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, tiền lương tháng 13 là khoản tiền thưởng mà NSDLĐ thưởng cho người lao động theo thỏa thuận và căn cứ theo kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Nếu doanh nghiệp thua lỗ hoặc người lao động không hoàn thành công việc của mình có thể sẽ không nhận được tiền lương tháng 13. Tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận, tức không phải tiền lương theo công việc hay chức danh của người lao động.
Tuy nhiên, vì không phải là 1 khoản tiền bắt buộc phải chi cho người lao động theo quy định của pháp luật, nên mỗi Công ty lại có các cách tính khác nhau. Vì vậy, nếu như bạn là người đi ứng tuyển vào một vị trí nào đó thì trước khi nhận được offer hay ký hợp đồng, bạn nên tìm hiểu rõ về chính sách thưởng “lương tháng thứ 13” của Công ty để có quyết định phù hợp.

2. Cách tính tiền lương tháng 13

Cách tính tiền lương tháng 13 thường theo công thức thông dụng sau:
  • Làm đủ 12 tháng (bao gồm cả thời gian thử việc) thì sẽ được hưởng 1 tháng lương.
  • Nếu không làm đủ 12 tháng (hoặc có tăng/giảm lương trong thời gian làm việc), thì sẽ tính theo tỉ lệ tương đương.
Cách tính trên được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp. Do tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền bắt buộc theo quy định của pháp luật nên mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính, cách xác định khác nhau. Việc tính lương tháng 13 còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất của doanh nghiệp và số lượng người lao động trong đơn vị.

3. Tiền lương tháng 13 có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Tiền lương tháng 13 là một khoản tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động năm 2012. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15/8/2013, tiền thưởng được xem là khoản thu nhập chịu thuế (bị tính thuế TNCN). Do đó, khi được nhận tiền lương tháng 13, người lao động phải chịu tiền thuế thu nhập cá nhân.
Về việc tính thuế thu nhập cho lương tháng 13: Công ty bạn trả tiền lương tháng 13 vào tháng nào thì cộng khoản lương tháng 13 với tháng đó để tính thu nhập chịu thuế, tức là gộp chung tiền lương tháng 13 với tiền lương tháng đó. Các khoản giảm trừ, thu nhập miễn thuế chỉ được tính một lần.

4. Tiền lương tháng 13 có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Tiền lương tháng 13 thực chất là một khoản tiền thưởng. Do vậy, nếu trong hợp đồng lao động ghi tiền lương tháng 13 này ở một mục riêng, không gộp chung với khoản tiền lương hàng tháng thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.

5. Tiền lương tháng 13 có được đưa vào chi phí hợp lý không?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi bổ sung tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài Chính:
“2.6 Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
  1. Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
  2. Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”.
Vì vậy, Tiền thưởng lương tháng 13 đưa vào chi phí hợp lý thì cần:
– Ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau:
  • Hợp đồng lao động;
  • Thoả ước lao động tập thể;
  • Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn hoặc Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
– Quyết định lương thưởng.
– Phiếu chi tiền thưởng.

6. Thời điểm hạch toán chi phí tiền lương tháng 13?

Theo quy định và hướng dẫn của cơ quan thuế thì:
  • Nếu doanh nghiệp hạch toán chi phí tiền lương tháng 13 vào chi phí trong năm tài chính và thực chi trước khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN năm đó.
  • Trường hợp nếu doanh nghiệp hạch toán chi phí tiền lương tháng 13 vào trong năm tài chính nhưng đến hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN mà chưa thực chi thì không được trừ vào chi phí trong năm đó mà được tính vào năm sau (năm thực chi).
Rất mong nhận được nhiều ý kiến, bình luận và bổ sung của các độc giả có hiểu biết và kinh nghiệm về vấn đề này. – – Hà Quỳnh – MBA, CPA – Chủ tịch học viện BOS  – –
BOS Học viện quản trị doanh nghiệp
Thực hành – Thực chiến – Thực chất
Đồng hành – Đồng bộ – Đồng phát
Các bài viết khác