Nội quản sổ thực, ngoại giao sổ ảo
08/12/2022

Thời gian gần đây, trên trang mạng xã hội và các kênh truyền thông thường bàn luận về một chủ đề khá thú vị, đó là các doanh nghiệp đang bị lỗ nặng thì tìm cách khai có lãi, tô điểm để làm đẹp báo cáo tài chính. Trong khi các doanh nghiệp thực sự có lãi thì lại tìm mọi cách để báo lỗ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự nghịch lý tức cười này, bài viết dưới đây của BOS sẽ làm rõ vấn đề này trong bài viết sau đây.

Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp khai lãi trong khi đang lỗ

Nghịch lý này đến từ việc họ có chiếc “đũa thần”, có thể biến lỗ thành lãi và lãi thành lỗ theo mong muốn của bản thân. Bởi thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hệ thống hai sổ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Luật kế toán 88/2015/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2017 đã quy định rõ: “nghiêm cấm doanh nghiệp lập từ hai sổ sách trở lên”. Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam rất hiếm doanh nghiệp làm hệ thống kế toán một sổ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dẫu biết rằng việc lập hệ thống kế toán hai sổ là gian lận, là vi phạm pháp luật, là sẽ bị truy thu thuế từ 1 đến 3 lần, phạt chậm nộp 0,03%-0,05%/ngày, phạt vi phạm hành chính 20% nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn lựa chọn làm điều này?

Để lách luật

Để hiểu rõ quan điểm này, BOS đưa ra một câu chuyện thực tế để bạn hình dung rõ hơn vì sao lại xây dựng hệ thống hai sổ:

Công ty của Anh Gian hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu. Qúy vừa rồi, công ty anh bán ra 10 tấn nguyên vật liệu. Anh Gian đã thỏa thuận với đối tác, chỉ ghi hóa đơn 6 tấn. Số còn lại, anh vẽ thêm hàng loạt các loại chi phí khác như công tác phí, sửa chữa, quản lý,… để tăng chi phí. Bên cạnh đó, đối với một số khách hàng cá nhân không yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng, công ty anh Gian ghi nhận vào hệ thống sổ nội bộ, còn trên sổ ngoại giao (tên gọi khác là sổ để báo cáo cơ quan thuế) thì không xuất hiện doanh thu này. Bằng cách đó, công ty anh Gian giảm được số tiền nộp thuế giá trị gia tăng trong quý. 

Trường hợp khác: Công ty chị Lận kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác nhau trên thế giới. Trong sổ sách nội bộ, giá của sản phẩm đầu vào là 10 đồng, nhưng trong sổ đối ngoại, giá đầu vào ghi là 5 đồng. Khi xuất hóa đơn bán hàng thì giá hiển thị trên hóa đơn là 8 đồng, trong khi thực tế, họ phải thu của khách hàng đến 15 đồng mới có lãi. Như vậy, thay vì kê khai chính xác giá đầu vào 10 đồng, đầu ra 15 đồng, họ sẽ phải đóng thuế trên khoản chênh 5 đồng. Trong khi kê khai giá dầu vào 5 đồng, đầu ra 8 đồng, họ sẽ chỉ phải đóng thuế trên khoản chênh lệch là 3 đồng. 

Qua 2 câu chuyện, bạn đã hình dung được vì sao họ chọn quản lý bằng hai sổ chưa?

Nguyên nhân đầu tiên là nhằm đối phó với cơ quan thuế nhà nước. Theo Luật, doanh nghiệp sẽ nộp thuế cho nhà nước dựa trên thuế giá trị gia tăng và thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Khi làm  một sổ, mọi chi phí phát sinh đều được ghi lại rõ ràng và phản ánh thực tế. Lợi nhuận càng cao, thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước càng nhiều và đôi khi còn bị cơ quan thuế bắt bẻ về mặt chứng từ. Trong khi đó làm hai sổ, doanh nghiệp có thể tự cân đối chi phí, số liệu và hợp thức hóa chứng từ sao cho sổ báo cáo thuế “đẹp” và đúng theo hình thức cơ quan thuế yêu cầu.

Cho nên, để giảm thuế nộp cho nhà nước, doanh nghiệp sẽ kê khai doanh thu thấp hơn và chi phí cao hơn thực tế nhằm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp (doanh nghiệp lợi nhuận ít hoặc lỗ). Đồng thời, doanh nghiệp sẽ lấy hóa đơn có chi phí cao hơn thực tế, thậm chí là mua thêm hóa đơn để hợp thức hóa chứng từ. Họ thường chọn cách giấu sản lượng đầu vào, sản lượng đầu ra, chẳng hạn như câu chuyện của anh Gian, hoặc kê khai số liệu khác đi như trường hợp chị Lận với mong muốn giảm sổ thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước. 

Để tăng khả năng vay vốn ngân hàng hoặc tham gia đấu thầu

Đầu năm 2022, vụ việc của vợ chồng một nữ đại gia Phú Mỹ Hưng đã khiến cho báo giới tốn nhiều giấy mực và được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nữ đại gia thành lập công ty hẳn hoi, lên kế hoạch cho dự án thành lập “ngân hàng ngoại hối” bài bản. Họ còn thường xuyên đưa những nhà đầu tư tiềm năng đến nhà riêng sang trọng, đến công ty để củng cố niềm tin. Với hình tượng ảo ấy, họ đã huy động được đến hơn 650 tỷ đồng. 

Thông qua câu chuyện này, muốn thể hiện rằng để được lòng tin từ đối tác, nhà đầu tư, ai cũng thường nhọc công xây dựng nên hình ảnh lý tưởng với năng lực kiếm tiền vượt trội và bằng chứng là cơ ngơi mình đã có được.

Cho nên, để có một cái gật đầu của ngân hàng hoặc các dự án đấu thầu, một số công ty buộc phải xây dựng hình ảnh đơn vị chuyên nghiệp với năng lực vượt trội và khả năng kinh doanh tốt. Muốn có được điều đó, họ buộc phải có hệ thống sổ sách ảo để làm đẹp cho doanh nghiệp mình. 

Nếu như một số doanh nghiệp trong trường hợp vừa đưa ra muốn lách luật giảm thuế nên cố tình kê khai doanh thu thấp, thì trường hợp này lại ngược lại. Để tăng khả năng vay vốn hoặc khả năng trúng thầu, doanh nghiệp sẽ tìm cách đưa ra một báo cáo tài chính với số liệu đẹp, khả năng thanh khoản tốt, quay vòng vốn nhanh và giảm tối thiểu số nợ tồn đọng. Dĩ nhiên, chưa phải doanh nghiệp nào cũng lựa chọn cách thức trên để có được hợp đồng vay vốn hoặc đấu thầu thành công, nó chỉ là thiểu số.

Muốn giảm lợi tức chia cho cổ đông

Giả sử anh A thành lập một công ty trong lĩnh vực bất động sản. Thời gian đầu, vì thiếu nguồn vốn để phát triển dự án, anh A huy động chị B góp một phần vốn, sau khi hoàn thành dự án, chị B sẽ được chia một khoản lợi tức theo con số đã thỏa thuận. Thế nhưng sau khi hoàn thành dự án, vì lý do nào đó anh A muốn giảm số lợi tức phải chia cho chị B. Vậy là ngoài một số để quản trị nội bộ, một sổ nữa để trình bày với cổ đông. Con số trong sổ thứ ba này sẽ tương ứng với mức lợi tức mà anh A muốn chia cho chị B. 

Chúng ta đều có thể nhìn ra gốc rễ sâu xa của vấn đề nằm ở hai chữ “lợi nhuận”. Vì giữ lợi nhuận nên không phải đóng thuế. Vì muốn kiếm thêm lợi nhuận mà thay đổi số liệu, làm nhiều sổ sách để tăng khả năng vay vốn, giảm lợi tức chia cho cổ đông. 

Tóm lại, mặc dù hệ thống hai sổ có thể giúp doanh nghiệp sống được khi quy mô đang còn nhỏ, nhưng mai kia, chính nó lại trở thành rào cản khiến doanh nghiệp không thể phát triển được nữa và thậm chí đối mặt với nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Các bài viết khác