Thời đại 4.0, không quản trị bằng số – coi chừng sạt nghiệp!
09/09/2022

Chúng ta mở doanh nghiệp, chúng ta kinh doanh với mục đích gì?

Quản trị số

Tôi tin rằng nếu không phải doanh nghiệp từ thiện, thì mục đích cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa giá trị Doanh nghiệp và lợi ích cổ đông. Lợi nhuận = Doanh thu – chi phí. Rất nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng bởi cách tính nhẩm lấy doanh thu trừ tiền mua hàng là lãi.

Tiền mua hàng chỉ là 1 chi phí trong rất nhiều loại chi phí: Chi phí lương thưởng, thuê mặt bằng, lãi vay, máy móc thiết bị, công cụ quản lý, hoa hồng, … rất nhiều khoản tiền tiêu vung vãi, lãng phí, rủi ro công nợ, tồn kho chúng ta đã kiểm soát được hết chưa? Liệu bằng ấy doanh thu đã bù đắp nổi các rủi ro, lãng phí trên?

Tai hại của việc tính nhẩm là mua 5 bán 10, lãi gấp đôi!

Nhưng,

Làm nhỏ thì sống, làm to thì chết, trong túi không có đồng nào. Tiền làm ra để cho người khác hưởng. Ngân hàng, nhà cung cấp, khách hàng,… Anh bạn tôi kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm, làm một cửa hàng thì sống, đến cửa hàng thứ 2 thì đầu tắt mặt tối, cửa hàng thứ 5 thì vỡ nợ. Cứ thấy có tiền là tiêu bạt mạng, mang tiền công ty đầu cơ chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Nhưng chúng ta không hay biết ta đang cầm tiền đi kèm nghĩa vụ trả nợ, thu trước của khách hàng, nhà cung cấp ứng trước, vay ngân hàng,…

Tiền được tạo ra từ doanh thu, lợi nhuận. Nhưng doanh thu hàm chứa công nợ, tiền là thật, doanh thu có thể ảo? Ngoài ra còn rất nhiều khoản chi tiêu lãng phí không theo kỷ luật, trả lương cho nhân viên mà không thấy kết quả đâu, kế toán lĩnh lương hàng tháng mà chả số nào ra số nào?, các bộ phận làm việc trì trệ nhưng lương vẫn nhận đủ,… Ban điều hành thì bất mãn xung đột, tình cảm anh em đi xuống vì thiếu số liệu chứng minh. Mua 5 bán 10, lãi gấp đôi, hỏi tiền đâu sao không chia? Hoăc chia cổ tức nhầm bằng tiền khách hàng ứng trước, đến lúc Khách hàng yêu cầu hoàn lại lấy tiền đâu ra?

Vì vậy, đọc hiểu báo cáo tài chính không chỉ là việc riêng của kế toán đâu. CEO cần nắm rõ doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản trong tay? Tài sản đang ở trạng thái nào? Tài sản ấy được hình thành từ nguồn nào? Nợ bao nhiêu, khi nào phải trả? Doanh thu đến từ đâu? … Đó là những câu trả lời nhận được từ đọc báo cáo tài chính.

Kinh doanh là sự vận động không ngừng của dòng tiền nên chúng ta cần biết Dòng tiền đang dịch chuyển thế nào? Tiền đang ở đâu? Tồn kho, công nợ, chi phí, … rất nhiều thứ cần hiểu để kiểm soát. Mở mắt ra là tiền lương nhân viên, tiền thuê văn phòng, lãi vay, … nếu kinh doanh kém hiệu quả thì chỉ đốt tiền, sạt nghiệp sớm muộn. Công cụ nào giúp CEO cảnh báo? Đó chính là hệ thống báo cáo quản trị đồng bộ kế hoạch.

Báo cáo quản trị nội bộ quan trọng đến sự sống còn của công ty như vậy, tại sao chỉ đang được ghi chép dưới dạng sổ chợ, tại sao chúng ta chỉ đang quan tâm báo cáo đối phó thuế? Số thực của mình thì không quản, đi quản số ảo. Thuế chỉ chiếm 20% chi phí trong khi Quản chi phí thực để biết được khoản chi nào đang lãng phí, đang có nguy cơ thất thoát, biết được nhập xuất bao nhiêu, bán cho ai, tiền về từ dòng nào, tồn kho, dở dang bao nhiêu?… Biến con số kế toán khô khan thành con số biết nói! Như vậy mới là quản trị, là vai trò của CEO, kế toán trưởng và các bộ phận.

Thêm vào đó, doanh nghiệp nào giờ cũng quan tâm chuyển đổi số, quan tâm gọi vốn, IPO nhưng số liệu kế toán thì không có, không quan tâm, lúc nào em tưởng, em nghĩ thì rủi ro vô cùng. Sẽ chẳng nhà đầu tư nào dám rót vốn vào doanh nghiệp như thế!

Lời khuyên:

– “Anh chẳng tin ai cả, làm kinh doanh anh chỉ tin vào con số”. Câu nói của Shark Phú làm tôi rất ấn tượng. Vì vậy, hãy làm chủ báo cáo tài chính, làm chủ con số từ hoạch định đến báo cáo. Thiếu kế hoạch, báo cáo chẳng khác gì đi vào sa mặc không có la bàn.

– Hãy quản trị dòng tiền, còn tiền doanh nghiệp còn sống, gãy dòng tiền là đứt! Dòng tiền là dòng máu của doanh nghiệp, CEO nhất định phải quản trị, đừng thả gà ra đuổi, rồi lại dành 80% đi lùa gà về, trong khi đáng lẽ phải dành 80% cho việc hoạch định và quản trị.

– Hãy kiên định và quyết tâm đầu tiên từ quan điểm của CEO. Bắt tay vào làm ngay từ bây giờ, đừng nghĩ nữa! Đừng làm một thời gian rồi bỏ giở, giục thì làm, không giục thì thôi. Chuyển đổi số mà tác phong “nông nghiệp” thì chỉ mất tiền oan thôi.

Các bài viết khác